ĐẦU RACK ÂM THANH

Trong tất cả các hoạt động về sân khấu (ca nhạc,kịch v,v), âm thanh và ánh sáng là những lãnh vực không thể thiếu được. Nó như là xương sống còn kịch bản là linh hồn của buổi biểu diễn.

Thời gian gần đây, trình độ kỹ thuật của thế giới càng ngày càng tiến triển vượt bậc. Các thiết bị nâng cấp mau chóng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của quần chúng. Các kỹ thuật viên âm thanh phải học hỏi nhiều để nâng cao nghề nghiệp. Vấn đề là ở Việt Nam chưa có trường lớp nào dạy bộ môn này cả, sách vở cũng quá ít, hầu hết là sách ngọai ngữ. Tất cả chúng ta đều phải học hỏi qua kinh nghiệm của người đi trước hay trong quá trình làm việc của bàn thân. Gần đây, nhờ có mạng nên ta có cơ hội học hỏi thêm những tiến bộ kỹ thuật trong nghề nghiệp.

Nay tôi viết lên trên blog này một số kinh nghiệm về những kỹ thuật trên. Trong bài này là những kỹ thuật cơ bản nhất mà các bạn mới vào nghề cần phải nắm bắt. Tôi sẽ viết dần dần, những kỹ thuật nâng cao, xin mời các bạn theo dõi. Xin các bạn vui lòng bổ sung thêm cho những sai sót (nếu có) trong loạt bài này vì trong kỹ thuật, không ai có thể hoàn hảo cả.

Chương 1: Thiết bị và dụng cụ âm thanh.

Xin nói trước, phần này chỉ giới thiệu sơ lược về các thiết bị âm thanh mà thôi. Cho nên, trong khi đọc, các bạn có thể không hiểu một số vấn đề nào đó. Nó sẽ được giải nghĩa thêm vào các phần sau.

 I /  Các loại dây, đầu nối thiết bị.

-Dây tín hiệu:
Trong lãnh vực âm thanh, giữa hai thiết bị với nhau,đều được nối với nhau bằng một loại dây tương tự như dây điện. Nhưng để tránh xảy ra hiện tượng nhiễu (noise), dây này được thiết kế đặc biệt hơn các loại dây thông thường. Đơn giản nhất là là một sợi dây điện nhiều sợi có bọc nhựa mềm được bao quanh bởi một lớp giáp bằng những sợi dây diện nhỏ mềm kín tất cả chu vi. Dây này được gọi là dây tín hiệu đồng trục (coaxial signal wire). Loại dây trên chỉ được dùng trong các máy dân dụng vì khả năng chống nhiễu kém và không thể nối dài quá 3 mét (10 feet) mà không bị hao hụt tín hiệu.

Chuyên nghiệp hơn, loại dây chúng ta phải dùng là loại dây cũng có 1 giáp nhưng bao quanh 2 sợi dây điện mềm (dây balance). Tính năng loại này chống nhiễu cao và có thể kéo dài tối đa 300 mét (1000 feet).

-Dây loa (speaker wire) :
Trên lý thuyết chúng ta có thể xử dụng bất kỳ loại dây dẫn điện đôi nào miễn nó có tiết diện đủ lớn và phân biệt được 2 sợi với nhau là có thể làm dây loa được rồi.

Trên thị trường trong nước hiện nay, thông dụng nhất cho chúng ta xử dụng là loại dây đôi do Nhật sản xuất có lớp nhựa trong cho thấy lõi bên trong hai loại dây kim loại màu trắng bạc ta gọi là – (cold) và màu đồng ta gọi là + (hot).

-Audio link :
Thông thường, bàn điều khiển âm thanh (sound console) đặt cách xa sân khấu biểu diễn. Nếu chúng ta phải thiết kế vài chục sợi dây tín hiệu thì quá bất tiện. Thế nên, chúng ta phải dùng một sợi dây gọi là audio-link có sẵn vài chục sợi dây tín hiệu nhỏ bên trong, hai đầu là jack XLR3 đực và cái. Thường là 12 input + 2 output hay 16 + 4, 20 + 4, 24 + 6 hoặc hơn nữa. Với chiều dài 100 feet, 200 feet v/v…

-Các loại đầu nối (rắc , connector) :
Tất cả các loại rắc đều có hai cái đi từng cặp đực và cái. Riêng tên gọi này tiếng Việt ta dịch sát nghĩa nhất (bạn cứ việc tưởng tượng là đủ hiểu!).

-Phone rắc (rắc 6 ly): còn gọi là ¼” connector, khi hàn với dây tín hiệu, bạn nhớ phân biệt ground (mát), cold (trừ), hot (cộng) theo hình kèm sau đây. Riêng phone jack mono chỉ có hai  cực thôi, trừ và mát nhập chung.

-RCA rắc (rắc hoa sen): loại này thường dùng để nối các loại máy phát nhạc (CD, Tape) với mixer,ta chỉ cần dùng dây kèm theo máy là được.

-XLR3 rắc (rắc canon): rắc thông dụng nhất trong các loại đầu nối tín hiệu. Nó được dùng trong hầu hết các thiết bị âm thanh chuyên nghiệp. Từ microphone, mixer, effect,amplifier đều phải sử dụng nó.

Cách nối nó với dây tín hiệu như sau :

Trong trường hợp đấu nối các loại rắc có 3 cực, các bạn phải để ý tới cách đấu balanced và unbalanced (sẽ giải thích rõ vấn đề này ở chương 02 phần 1).

-DIN rắc (rắc 5 chân): Đó là một bộ rắc đực, cái 5 cực (xem hình) dùng để nối các tín hiệu âm thanh với nhau. Trong các hệ thống âm thanh dân dụng, một cách tiện lợi và đơn giản, nó nối input output stereo của các thiết bị band, đĩa với ampli chỉ bằng độc nhất một sợi dây tín hiệu.

-Rắc speakon: Phần này nói tới đầu nối các thiết bị loa và amplifier. Ở các hệ thống âm thanh cũ, thường nối các thiết bị này mà không cần đầu nối, nghĩa là đằng sau amplifier và loa có những cọc điện và chúng ta chỉ cần lấy dây loa nối chúng lại theo từng cặp có đánh dấu + – là xong hoặc dùng phone rắc đực cái làm đầu nối. Tuy nhiên cả hai cách này đều có những khuyết điểm: khó làm và không an toàn. Gần đây các hãng sản xuất đều dùng rắc speakon vì những ưu điểm sau :

  • Các chấu nối rất chắc, không thể tuột ra được.
  • Một jack có thể từ 1 đến 3 way trong mỗi thùng loa (sẽ đề cập từ way sau).
  • An toàn và tiện lợi cho người sử dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *